“Khạc ra máu” (hemoptysis)
là tiếng dùng để chỉ những trường hợp ho, khạc ra đàm hoặc chất tiết có dính
máu, do chảy máu từ các ống phổi hoặc phổi. Khạc ra máu chắc chắn không phải
do “nóng” trong người.
Khạc ra máu xảy ra khá thường. Chẳng hạn, lúc ta đang cảm do bị siêu vi
trùng tấn công bộ hô hấp, ta có thể ho khạc ra chút máu. Nhưng rồi khi cái
cảm nó bỏ ta nó đi, đâu lại vào đấy, khạc ra máu trở thành chuyện của quá
khứ.
Song, khạc ra máu có thể là dấu chứng báo hiệu một bệnh nguy hiểm, như ung
thư phổi. Hoặc, khạc ra máu sẽ đưa đến trụy tim mạch (cardio-vascular
collapse), tắc đường thở (airway obstruction), nguy hiểm đến tính mạng, nếu
khạc ra máu dữ quá, làm mất máu nhiều.
Nên, nếu bạn tiếp tục khạc ra máu trên 1 tuần lễ, ta phải tìm hiểu tại sao.
Trong sự tìm hiểu và trị liệu chứng khạc ra máu kéo dài của bạn, bác sĩ sẽ
cố xác định hai điều:
- Có đúng là bạn khạc ra máu?
- Bạn khạc ra bao nhiêu máu?
Có đúng là khạc ra máu?
“Bác sĩ ơi, ghê quá, tự nhiên sáng nay lúc vừa thức dậy, máu từ đâu không
biết, trào ra từ miệng tôi đến ba lần”.
Xác định một người đúng là khạc ra máu, chảy từ ống phổi hoặc phổi, nhiều
khi không phải dễ. Người bệnh lắm khi không phân biệt được là mình ho ra máu
hay ựa, ói ra máu. Lại có khi, máu từ trên mũi hoặc các xoang quanh mũi
(paranasal sinuses) chảy xuống cổ họng, làm ngứa cổ gây ho. Rồi, máu cũng có
thể chảy từ một nơi nào đó trong miệng, trong cổ họng.
Làm thế nào bây giờ? Bác sĩ sẽ phải dựa vào 3 phương cách: hỏi bệnh, khám
bệnh, dùng các trắc nghiệm, để tìm hiểu máu từ đâu mà ra.
1. Hỏi bệnh:
Hỏi bệnh kỹ, tỉ mỉ là cách tốt để khởi đầu việc xác định máu chảy từ đâu ra.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn có hay bị chảy máu mũi, hoặc chứng khạc ra máu của bạn
thường nặng hơn trong tư thế nằm, nhất là vào buổi sáng sau khi nằm ngửa ngủ
qua một đêm dài. Nếu có, nhiều phần là máu từ mũi chảy xuống.
Bạn có đau cổ họng? Bạn có vết thương bất thường nào ở lưỡi hay trong miệng?
Hoặc trong thời gian gần đây bạn bị khan, mất tiếng, giọng oanh vàng, than
ôi, nay còn đâu? Tất cả những dấu chứng này khiến ta nên nghĩ đến nguyên
nhân gây chảy máu nằm trong miệng, trong cổ họng bạn, hoặc ở thanh quản
(larynx: cơ quan giúp phát âm nằm sâu phía dưới cổ họng, nối liền với ống
phổi; thanh quản có thể bị ung thư).
Cần phân biệt “khạc” ra máu và “ói” ra máu. Nếu bạn hay bị đầy hơi, nóng
ngực (Mỹ họ hay gọi là “heartburn”, có nghĩa “nóng tim”, nhưng ta sẽ chỉnh
họ, cho họ biết dùng chữ “nóng ngực” mới là đúng), khó nuốt, hoặc các triệu
chứng tiêu hóa khác, nay máu lại từ miệng bạn phun ra: có lẽ bạn bị chảy máu
tiêu hóa, hơn là bị khạc ra máu từ bộ hô hấp.
Tuy vậy, bác sĩ cũng cần thận trọng. Khi ta ói ra máu, máu chảy từ bao tử ra
thường trông giống như bã cà-phê xay (coffe-ground materials). Có người ho,
khạc ra máu, nhưng nuốt một phần máu chảy ra xuống bao tử, sau lại ựa máu
này từ bao tử lên, nên máu trông cũng giống bã cà-phê xay. Thấy thế, nếu vội
kết luận là người bệnh bị chảy máu đường tiêu hóa, thay vì chảy máu đường hô
hấp, bác sĩ sẽ bị hố. Với người hút thuốc, lại càng rắc rối. Người hút thuốc
mà có máu phun từ miệng ra, bác sĩ nào cũng nghĩ đến chảy máu hô hấp do ung
thư ống phổi hoặc ung thư phổi. Song hút thuốc lá cũng gây ung thư cổ họng,
ung thư thanh quản, và loét bao tử. Những thứ này cũng hay gây chảy máu vậy.
Cho nên, với người hút thuốc lá, bác sĩ lại càng nên thận trọng, không kết
luận vội vàng mà hố to.
Sau đây là những nguyên nhân hay gây khạc ra máu:
* Bệnh trong phổi:
- Bệnh viêm ống phổi (bronchitis), bệnh phình nở các ống phổi
(bronchiectasis).
- Ung thư ống phổi hoặc phổi (người trên 40 tuổi khạc ra máu, ta nên nghĩ
đến ung thư ống phổi hoặc phổi, nhất là nếu người khạc ra máu lại đang yêu
thuốc lá tha thiết).
- Các bệnh sưng phổi, lao, bọc mủ trong phổi (abscess), bệnh nấm
aspergillus.
* Bệnh tim mạch:
- Các bất thường của mạch máu trong phổi.
- Bệnh suy tim (heart failure).
- Máu đông trong phổi (pulmonary emboli).
Bệnh suy tim
(heart failure)
Các nguyên nhân linh tinh khác gây khạc ra máu: chấn thương phổi, viêm các
mạch máu trong phổi (pulmonary vasculitis), đang dùng thuốc chống đông máu
(anticoagulants).
Nói chung, đa số những trường hợp khạc ra máu là do bệnh trong phổi. Nên,
các triệu chứng hô hấp, cấp tính hay kinh niên, như: ho, khó thở, khò khè,
đau ngực, ... sẽ được bác sĩ đặc biệt quan tâm. Nếu bạn có những triệu chứng
ấy, bạn nên thổ lộ với bác sĩ. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết, trước bạn đã
từng bị bệnh phổi loại nào (“yếu” phổi không phải là một bệnh).
Nếu khạc ra đàm, bạn kể cho bác sĩ nghe: bạn khạc ra đàm từ bao giờ? đàm của
bạn có thay đổi tính chất trong thời gian gần đây, đặc hơn, vàng hơn, ...?
Trước đây, có bao giờ đàm của bạn đã từng vương chút máu?
Rồi, bạn kể bạn có bị nóng sốt, chảy mồ hôi ban đêm (night sweats), xuống
cân hay không. Bạn có bị bệnh tim từ trước? Nếu có, loại nào: sốt rheumatic
(rheumatic fever), bệnh hư van tim, bệnh tim suy... (cũng như “yếu” phổi,
“yếu” bao tử, “yếu” gan, “yếu” thận, “yếu” tim là chữ mơ hồ nhiều người
chúng ta hay dùng, nhưng với bác sĩ, không mang ý nghĩa gì cả, cho đến khi
bạn diễn tả cái “yếu” ấy nó như thế nào).
Thêm nữa, bạn có đang dùng thuốc chống đông máu hay không (tiện việc sổ
sách, mỗi lần đi khám bệnh, bạn cứ mang hết thuốc men đang dùng ở nhà theo
là xong), hoặc từ trước đến nay, có các bệnh gây chảy máu, cứ làm cơ thể bạn
hết chảy máu chỗ này lại chảy máu chỗ khác hay không.
Sau cùng,... bạn hút bao nhiêu thuốc lá mỗi ngày,... đã có bác sĩ nào nói
bạn bị ung thư phổi hay chưa?
2. Khám bệnh:
Sau khi nghe bạn kể bệnh, và hỏi thêm ở những chỗ cần hỏi, để đi sâu vào chi
tiết nếu cần, bác sĩ sẽ thăm khám cho bạn.
Xem nào, ta khởi đầu ở mũi và miệng, bạn nhé, để may ra có tìm được nguồn
gây chảy máu trong mũi, miệng hay chăng. Rồi xuống đến cổ, xem bạn có nổi
hạch ở cổ? Những bệnh nguy hiểm như lao, ung thư, ... có thể làm nổi hạch ở
cổ.
Khám ngực và phổi là phần quan trọng. Trong lúc bạn hít thở, bác sĩ sẽ xem
ngực bạn nhấp nhô lên xuống đều cả hai bên hay chăng. Bên ngực nào không
chuyển động nhiều khi bạn hít thở, bên ấy có khi bị ung thư hay vật lạ, làm
tắc ống phổi, khiến không khí không vào được phổi bên ấy. Dùng tay sờ đều
hai bên ngực bạn, rồi bảo bạn thở ra thật mạnh (forced expiration), cũng
khám phá được điều này. Bên có ống phổi bị tắc, thì thở ra (expiration
phase) sẽ bị chậm hơn bên bình thường (delayed expiration).
Khi nghe phổi bằng ống nghe, bác sĩ có thể khám phá được những tiếng phổi
bất thường. Chẳng hạn như tiếng khò khè. Suyễn gây khò khè ở cả hai bên
phổi. Nhưng nếu tiếng khò khè chỉ nghe thấy ở một bên phổi, ở một vùng nào
đó, cẩn thận, có gì đang làm tắc một ống phổi đây chăng. Khám phổi kỹ cũng
khám phá ra được một số các bệnh phổi khác, từ đó phăng dần ra nguyên nhân
làm bạn khạc ra máu.
Sau khám phổi là khám tim. Xem tim có bị suy không (heart failure). Tim suy
không đủ sức đẩy máu, khiến máu ứ ở phổi, bạn ho một cái, máu bắn ra ngoài.
Người trẻ khạc ra máu, không tìm thấy nguyên nhân gì khác, ta nên nghĩ đến
bệnh hẹp van mitral (mitral stenosis), nằm ở bên trái tim. Người viêm hạch
hầu do vi trùng Streptococcus, không chữa trị đúng cách, sau có thể bị bệnh
hẹp van mitral. Hẹp van mitral cũng làm máu ứ ở phổi như trường hợp suy tim.
Bạn ho mấy cái, máu cũng bắn ra ngoài.
Khám luôn cả chân cho đầy đủ. Xem chân bạn sưng, có bệnh tĩnh mạch phình nở
(thành những con giun xanh xấu xí, ngoằn ngoèo bò dưới da bạn, gọi là
varicose veins). Những tình trạng này dễ đẻ ra bệnh đông máu trong các tĩnh
mạch chân (thrombophlebitis). Cục máu đông buồn tình, vụt cái, có thể theo
máu về tim, rồi lên phổi, ở chơi trên đấy, gây bệnh đông máu trong phổi
(pulmonary embolism). Bệnh gây đau ngực, càng lúc càng khó thở, khạc ra máu,
ngất xỉu, nguy hiểm tính mạng.
3. Trắc nghiệm:
Đầu tiên là khám cổ họng và thanh quản (larynx: bộ phận phát âm) bằng phương
pháp soi đèn gián tiếp hoặc trực tiếp, để xem nơi cổ họng và thanh quản, có
chỗ nào chảy máu.
Có khi, phải nhờ đến bác sĩ chuyên môn đường tiêu hóa soi hộ đường tiêu hóa
trên (gồm thực quản, dạ dầy, tá tràng), để biết chắc bạn chẳng có gì lạ
trong các cơ quan này, để biết chắc máu không từ đây chảy ra.
Chụp phim ư? Phim ngực là bước khởi đầu (chest X-ray: ta hay quen miệng gọi
là phim phổi). Ung thư phổi và lao hay làm ta khạc ra máu. Phim ngực có thể
cho thấy những vết bất thường trên phim khiến ta nghĩ đến ung thư phổi hoặc
lao. Nếu vậy, ta sẽ tiến hành thêm các phương cách trắc nghiệm khác, chẳng
hạn như thử đàm, để xác định đúng là lao, hoặc soi phổi và cắt một miếng
phổi đem thử, để xác định đúng là ung thư.
Trường hợp bị máu đông trong phổi, phim ngực cũng có thể cho thấy những dấu
chứng dựa vào đấy, ta nghĩ đến định bệnh này, chẳng hạn, thấy một phần phổi
có ít máu đến nuôi hơn những phần phổi khác.
Ngoài phổi, phim ngực còn cho thấy bóng tim. Khi tim bạn bị suy, bóng tim sẽ
lớn hơn bình thường trên phim ngực. Tim suy nặng gây ứ máu trong phổi, phim
ngực cũng rất tốt để khám phá và mách với bác sĩ điều này. Phim ngực cho
thấy van mitral, nằm phía bên trái của tim bị đóng vôi? Nếu vậy, ta sẽ làm
siêu âm tim (echocardiography) để biết rõ thêm những chi tiết về tim, xem
van mitral đúng là bị hẹp hay không?
Nhưng nếu phim ngực nó bình thường thì sao? Ta có thể xoa tay, và tan hàng,
tin rằng phổi bạn chẳng có gì lạ, chuyện bạn khai bị khạc ra máu là chuyện
bạn nằm mơ?
Nếu bạn vẫn tiếp tục khạc ra máu, ta cần tiếp tục tìm hiểu, dù phim ngực
chụp ra thấy bình thường. Vì, thỉnh thoảng có bệnh phổi gây chảy máu, nhưng
phim ngực không khám phá được. Một ung thư còn nhỏ cũng vậy, nằm núp trong
một ống phổi, có khi thoát được con mắt soi mói của phim ngực. Nếu bạn vẫn
khạc ra máu dài dài, phim Cat scan phổi rất tốt để khám phá những ung thư
nhỏ, hoặc những chỗ ống phổi bị phình nở không nhìn thấy trên phim ngực. Làm
Cat scan phổi, bạn không phải vào nhà thương, và bác sĩ quang tuyến
(radiologist) sẽ cho ta biết kết quả trong vòng vài ngày.
Hay ta nhờ bác sĩ chuyên khoa phổi soi ống phổi cho bạn (bronchoscopy), xem
có gì lạ? Thấy gì lạ, bác sĩ chuyên khoa phổi sẽ cắt chỗ lạ ấy để thử thịt
(biopsy), đồng thời cho cấy trùng, cấy nấm tìm lao, và nấm. Có một loại nấm
tên Aspergillus chúa thích mọc trong phổi, tạo thành những khối tròn hay
được gọi là banh nấm (fungus ball), gây chảy máu. Soi ống phổi, bạn phải vào
nhà thương một buổi, ký giấy đồng ý cho bác sĩ soi ống phổi.
Bạn khạc ra bao nhiêu máu?
Khạc ra máu có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên bác sĩ cần ước lượng bạn
khạc ra bao nhiêu máu, để xem bạn có phải vào nhà thương gấp?
Càng khạc ra nhiều máu, dĩ nhiên càng nguy hiểm. Máu chảy nhiều quá, sẽ làm
trụy tim mạch (shock) hoặc làm tắc đường thở, gây suy hô hấp cấp tính. Người
từ trước vẫn khỏe mạnh chịu đựng được mất máu nhiều hơn người có cơ thể đã
yếu sẵn vì tật bệnh. Người có phổi tốt, khỏe, chịu đựng khạc ra máu giỏi hơn
người có phổi đã bị bệnh sẵn. Người bị tắc phổi kinh niên (chronic
obstructive lung disease), thường vì thuốc lá, có khi quị rất nhanh, dù chỉ
có ít máu chảy vào, làm tắc đường thở. Lại thêm một lý do, trong muôn vàn lý
do, để bạn bỏ thuốc lá.
Cho nên, khi bác sĩ thăm khám cho bạn, vì bạn khạc ra máu, bác sĩ sẽ đặt hai
câu hỏi: liệu lượng máu chảy ra có đủ để làm trụy tim mạch? và, tắc đường
thở có sắp xảy ra cho bạn hay không? (máu chảy ra có nhanh quá, và phổi bạn,
còn khỏe hay đã yếu sẵn từ trước, có đủ sức đương đầu với lượng máu chảy ra
và lọt vào đường thở hay không?).
Dựa vào câu trả lời cho hai câu hỏi trên, bác sĩ sẽ cho bạn vào nhà thương
ngay hay không. Chỉ một trong hai câu hỏi trên có câu trả lời là “Có”, bác
sĩ sẽ không chần chừ, khuyên bạn nhập viện lập tức.
Trên lý thuyết, khạc ra hơn 200 ml máu trong vòng 24 tiếng đồng hồ, được xem
là khạc ra nhiều máu quá đấy, dễ đưa đến chết lắm. A, nhưng trên thực tế,
lượng định một người đã thực sự khạc ra bao nhiêu máu khó ơi là khó. Nếu ta
khạc ra máu từ từ, ít một, ta có thể dùng tách (cup) uống nước để lượng định
bao nhiêu máu bị mất. Song, một người đột nhiên khạc ra máu, thường hoảng
hốt chạy vào buồng tắm, nhổ máu vào bồn rửa mặt, hoặc vào bồn cầu, có đâu
bình tĩnh giữ máu trong miệng, đi tìm đồ đựng để xem mình khạc ra bao nhiêu
máu, hầu trình cho bác sĩ. Máu tan vào nước trong bồn cầu, làm đỏ cả bồn,
trông thì kinh lắm, nhưng rất khó lượng định là bao nhiêu. Hơn nữa, máu nhổ
ra hay trộn lẫn với đàm, khó biết bao nhiêu phần là máu, bao nhiêu phần là
đàm. Rắc rối hơn, người khạc ra máu lại hay nuốt bớt máu xuống bao tử.
Cho nên, khi khám bệnh cho bạn, qua lời kể bệnh của bạn (xin càng chính xác
càng tốt), một phần bác sĩ cố ước lượng số máu bạn bị mất, một phần bác sĩ
dựa vào sự thăm khám để đoán biết bạn mất máu nhiều hay ít. Trông bạn xanh
xao, vàng vọt, thêm vẻ mệt mỏi, mạch lại nhanh, chắc bạn phải khạc ra nhiều
máu lắm, bạn nên vào nhà thương đi thôi, kẻo bạn sắp bị trụy tim mạch đến
nơi. Hoặc trông bạn có vẻ khó thở, đếm nhịp thở bạn thấy nhanh trên 30 nhịp
mỗi phút, thì dù bạn kể bạn không khạc ra máu mấy, ta cũng không nên coi
thường, vào nhà thương là tốt nhất bạn ạ, kẻo bạn sắp bị suy hô hấp.
bệnh nấm
aspergillus
Chữa trị
Chữa ho, khạc ra máu là chữa trị nguyên nhân gây ho, khạc ra máu.
Nếu bạn bị ho ra máu nhiều, nguy hiểm tới tính mạng, bạn cần nhập viện khẩn
cấp để được theo dõi và trị liệu. Bạn cũng hiểu, sợ nhất là bị trụy tim mạch
(shock), hoặc suy hô hấp (respiratory failure).
Có khi cần mổ cắt chỗ mạch máu đang chảy để cầm máu. Phương pháp khác là
chích một chất đặc biệt vào chỗ mạch máu đang chảy để làm nó nghẹt lại,
không còn rỉ máu ra nữa. Nếu dùng cách này để cầm máu, trước đó ta cần chụp
phim động mạch phổi (bronchial arteriography and angiography) hầu biết chắc
chỗ nào đang chảy máu.
Nếu bạn chỉ ho ra máu nhẹ, do nguyên nhân lành, bạn không cần phải vào nhà
thương, nhưng nên nằm nghỉ ở nhà (bed rest), và dùng thuốc ho. Ho có thể làm
bật máu từ chỗ mạch máu đang bị tổn thương, khiến chảy máu thêm, hoặc làm
chỗ này khó lành. Chữa như vậy, thường chỗ chảy máu trong phổi bạn sẽ lành
dần, và bạn sẽ thôi không ho ra máu nữa.
Chảy máu trong phổi do ung thư gây ho ra máu rất khó chữa, thường cần chiếu
điện để tạm cầm máu (external beam therapy). Bạn đang hút thuốc lá? Thế thì,
bạn nên chữa chứng ho ra máu do ung thư phổi của bạn sẽ xảy ra sau này bằng
cách ngay bây giờ, bạn nghỉ hút thuốc.
Máu đông trong
phổi (pulmonary emboli).
Thỉnh thoảng khi bị cảm hay cúm, ta
có thể khạc ra chút máu vài ngày. Nhưng, khạc ra máu, nếu kéo dài, có thể là
dấu chứng báo hiệu một bệnh nguy hiểm. Hoặc, khạc ra máu, nếu nhiều, sẽ đưa
đến trụy tim mạch, tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng. Tìm hiểu nguyên
nhân gây khạc ra máu cần sự hỏi bệnh tỉ mỉ, thăm khám kỹ lưỡng, và dùng đến
một số những trắc nghiệm nếu cần. Chữa khạc ra máu cần sự chữa trị nguyên
nhân gây khạc ra máu. Nếu máu chảy nhiều, để cầm máu, có khi cần mổ cắt chỗ
mạch máu đang chảy, hoặc dùng các phương pháp khác như chiếu điện, chích
những chất có tác dụng làm nghẽn mạch vào mạch máu đang bị chảy máu.
BS Nguyễn Văn Đức